Cà Phê Sài Gòn
Sài Gòn – thành phố dễ dàng mở cửa đón hàng triệu dân nhập cư và tiếp nhận các nền văn hóa hợp chủng khác nhau, cũng vì thế mà cà phê xứ này mang trăm nghìn hình hài và sắc độ để đáp ứng cho đủ loại “gu” của nhiều lớp người thị thành.
Ở Sài Gòn, bạn muốn ngồi cà phê trong không gian “thỏa mãn” được mình, luôn sẽ có một quán ở hẻm hóc nào đó đáp ứng cho bạn. Muốn uống cà phê nguyên chất và nói không với bột bắp, đừng ngồi ở các hàng nước vỉa hè. Bạn bỏ qua chất lượng nước uống mà chỉ quan tâm đến âm nhạc? Có rất nhiều quán cà phê tưởng như nghìn năm đã trôi qua nhưng chủ quán chỉ mở một phong cách nhạc duy nhất, là Yao-Sting với những bản Audiophile da diết, là những tình khúc Trịnh hay Ngô Thụy Miên ở những quán đã nhuốm màu thời gian. Và có những quán cà phê chả cần theo một phong cách âm nhạc nhất định nào đó, người ta cứ bật một Album các bài hát nằm trong bảng xếp hạng các trang nhạc online, và để khách thưởng thức.
Cà phê đã tồn tại ở Sài Gòn hơn 80 năm về trước, cách pha chế và thưởng thức của người dân thời đó cũng khác xa so với bấy giờ. Trước khi có cái phin nhôm để cà phê nhỏ giọt thì vợt là thứ duy nhất mà người ta dùng để chắt lọc từng dòng cà phê thơm phức. Năm 1938, ông Vĩnh Ngô, một người xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc ở Huế đã lưu lạc đến đất Gia Định (Sài Gòn xưa) để lập nghiệp. Ông chọn một nơi đồng không mông quạnh, thưa thớt dân cư rồi xây nhà và biến nó thành một quán cà phê. Nằm cheo leo, trơ trọi giữa không gian xung quanh, nên ông lấy tên Cheo Leo đặt cho quán của mình. Và, Cheo Leo chính là quán cà phê vợt lâu năm nhất ở Sài Gòn vẫn trụ vững đến ngày hôm nay.
Do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nên thuở đó, khắp Sài Gòn ở đâu người ta cũng uống cà phê pha bằng vợt. Cô Nguyễn Thị Sương, con gái thứ 3 của ông Vĩnh Ngô kể với chúng tôi rằng: “Ngày xưa người ta dùng cà phê chấm giò cháo quẩy như một bữa ăn sáng thịnh soạn. Nhà nào có con nhỏ thì họ rót cà phê ra dĩa cho bọn trẻ húp. Ba tôi thấy hay nên học cách pha chế cà phê bằng vợt rồi mở quán”.
Cheo Leo là một trong những quán cafe nổi tiếng của Sài Gòn, là địa điểm quen thuộc của các thanh niên trường Pétrus Ký, Chu Văn An, Kiến Thiết ngày đó. Khách ruột của quán giờ là những cựu học sinh đã qua tuổi ngũ tuần. Khu đồng không mông quạnh gần 80 năm về trước mà Cheo Leo ra đời, nay đã là một khu dân cư đông đúc, sầm uất nằm trên con đường Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3.
Cô Nguyễn Thị Sương, con gái thứ 3 của ông Vĩnh Ngô, hiện đang tiếp quản quán cafe lâu đời nhất Sài Gòn mang tên Cheo Leo.
Về sau, người ta lại học được cách pha cà phê kiểu Pháp. Kiểu pha này khá nổi tiếng và cũng rất gần gũi với nhiều người. Họ dùng một loại bình gọi là French press, cho bột cà phê vào trong bình rồi dùng một miếng lọc bằng kim loại ép lên trên, sau đó rót nước sôi vào và đậy nắp lại. Nước sôi sẽ qua miếng lọc rồi thấm dần vào bột cà phê. Do tốc độ chảy của nước khi qua miếng lọc rất chậm nên cà phê sẽ rất đặc. Người Việt học cách pha này và bắt đầu thưởng thức cà phê qua các phin nhôm hay inox (phin khi phát âm giống filtre, có nguồn gốc tiếng Pháp, hay filter trong tiếng Anh). Từ đó, cà phê pha bằng phin được nhiều người ưa dùng hơn. Các quán cà phê bắt đầu mọc lên nhan nhản dọc đường phố Sài Gòn, trở thành một thức uống gây nghiện.
Quán café vợt trong con hẻm đường Phan Đình Phùng của ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) đã truyền đến 3 đời và là điểm dừng chân của nhiều thế hệ khác nhau sinh sống ở Sài Gòn.
Năm 2014, nhà báo Nicola Graydon từ Telegraph – Nhật báo nổi tiếng của Anh, khi đến Sài Gòn đã giới thiệu với thế giới về cà phê sữa đá ở thành phố này. “Đó là loại cà phê mạnh, nhỏ giọt từ một phin kim loại nhỏ, bên dưới ly chứa khoảng ¼ lượng sữa đặc. Sau khoảng 15 phút, khi cà phê ngừng nhỏ giọt, bạn sẽ khuấy đều và cho đá vào. Đầu tiên, tôi không chịu được cái ngọt kiểu như vậy. Tuy nhiên sau 3 ngày, tôi bị khuất phục và nghiện cái ngọt “thần thánh” ấy. Thật tuyệt vời khi cảm nhận cái ngọt thanh mát trong cuống họng, điều mà chúng ta không thấy ở một ly latte cổ điển”, Nicola chia sẻ.